Ngày 21 tháng 09 năm 2016 tại Hà Nội, Bộ Y tế Việt Nam và Abbott đã ký Bản Ghi nhớ hợp tác triển khai 2 dự án: Dự án “Cải thiện dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú” nhằm nâng cao sức khỏe cho phụ nữ ở độ tuổi sinh sản góp phần cải thiện sức khỏe và tầm vóc cho người Việt Nam; và Dự án “Cải thiện chất lượng dinh dưỡng lâm sàng trong các bệnh viện tại Việt Nam” nhằm nâng cao sức khỏe cho bệnh nhân và hiệu quả điều trị tại các bệnh viện.
Để góp phần cải thiện sức khỏe, tầm vóc cho người Việt Nam, dinh dưỡng đóng một vai trò rất quan trọng. Suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi của Việt Nam đã giảm khá nhanh và bền vững (thể nhẹ cân); nhưng suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn còn ở mức cao trong đó có nguyên nhân do sự thiếu hụt dinh dưỡng của các bà mẹ trong giai đoạn mang thai và cho con bú. Theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ trẻ thấp còi năm 2014 là 24,9%; tỷ lệ phụ nữ có thai thiếu kẽm là 80,3%, thiếu máu là 32,8%.
Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2011 – 2020 tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định một trong những định hướng chính giúp cải thiện tầm vóc cho người Việt Nam là can thiệp dinh dưỡng sớm đối với phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai và giai đoạn vàng 1000 ngày đầu đời của trẻ (từ khi mang thai đến khi trẻ được 2 tuổi).
Dự án “Cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú tại Việt Nam” sẽ tập trung vào các hoạt động: Xây dựng tài liệu Hướng dẫn quốc gia về dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú; Nâng cao năng lực kiến thức về dinh dưỡng cho cán bộ y tế và cán bộ thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thông qua triển khai Hướng dẫn quốc gia về dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và cho con bú …
Ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em, Bộ Y tế cho biết: “Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2011 -2020 tầm nhìn 2030 đã xác định một trong những giải pháp quan trọng góp phần cải thiện tầm vóc con người Việt Nam là cung cấp cho phụ nữ tuổi sinh sản đặc biệt là phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú những kiến thức về dinh dưỡng hợp lý, các giải pháp can thiệp dinh dưỡng đặc hiệu để cải thiện tình trạng dinh dưỡng. Dự án Cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú tại Việt Nam giữa Bộ Y tế và Abbott sẽ góp phần thực hiện mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.
Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2011 – 2020 tầm nhìn 2030 đưa ra mục tiêu cần khôi phục và phát triển hệ thống dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế trong bệnh viện để đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu chăm sóc dinh dưỡng cho các nhóm bệnh và đối tượng đặc thù.
Dự án “Cải thiện chất lượng dinh dưỡng lâm sàng trong các bệnh viện tại Việt Nam” sẽ tập trung vào xây dựng chương trình cải thiện chất lượng dinh dưỡng lâm sàng áp dụng trong các bệnh viện tại Việt Nam (VN QIP) bao gồm công cụ sàng lọc dinh dưỡng và quy trình đánh giá dinh dưỡng người bệnh trong bệnh viện, tổ chức đào tạo, hướng dẫn quy trình thực hành VN QIP và quy trình dinh dưỡng lâm sàng chuyên môn cho các cán bộ và nhân viên y tế tại bệnh viện và thực hiện hướng dẫn dinh dưỡng lâm sàng tại bệnh viện Việt Nam.
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho biết: “Dự án Cải thiện chất lượng dinh dưỡng lâm sàng trong các bệnh viện tại Việt Nam chú trọng đào tạo dinh dưỡng lâm sàng cho các bệnh viện trên toàn quốc, tập trung nâng cao chất lượng chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh ở các bệnh viện thông qua các hướng dẫn về nguyên tắc chế độ ăn trong các bệnh viện. Việc thực hiện dự án có ý nghĩa quan trọng góp phần nâng cao sức khỏe cho bệnh nhân và hiệu quả điều trị tại các bệnh viện”.
Ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Ông Nguyễn Đức Vinh - Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em, Bộ Y tế và ông Douglas Kuo - Tổng Giám đốc Abbott Việt Nam, đã ký 2 Biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai các dự án này.
Bản Ghi nhớ được ký kết dưới sự chứng kiến của GS.TS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế, Ngài Brett Blackshaw - Quyền Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam và Ông Vũ Tú Thành - Trưởng Đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN tại Việt Nam.
Phát biểu tại Lễ ký kết, GS.TS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: “Bộ Y tế đánh giá cao và cảm ơn sự hỗ trợ của Abbott trong việc triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng. Hai dự án này sẽ góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng của người dân, đặc biệt là đẩy nhanh tốc độ giảm tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi ở Việt Nam, cũng như cải thiện sức khỏe bệnh nhân và hiệu quả điều trị tại các bệnh viện”.
Ông Douglas Kuo - Tổng Giám đốc Abbott Việt Nam cho biết: “Là công ty chăm sóc sức khỏe toàn cầu, chúng tôi tâm huyết với việc giúp đỡ người dân sống khỏe mạnh và trọn vẹn nhất có thể. Bản ghi nhớ hợp tác được ký kết ngày hôm nay giữa Bộ Y tế và Abbott củng cố cam kết của chúng tôi tại Việt Nam là mang lại cho các chuyên gia chăm sóc sức khỏe những hướng dẫn thực tiễn và liên quan, nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng và cải thiện công tác chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam trong dài hạn”.
Ông Brett Blackshaw - Quyền Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam chia sẻ “Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam chúc mừng Bộ Y tế và Abbott khởi động thành công hai dự án mới ngày hôm nay. Những dự án này có thể là kết quả của Bản Ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Y tế và Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN ký kết từ cuối năm 2015. Bản ghi nhớ cung cấp khuôn khổ cho các thành viên của cộng đồng kinh doanh Hoa Kỳ như Abbott để mở rộng và làm sâu sắc hơn sự hợp tác với Chính phủ Việt Nam để hỗ trợ sức khỏe và phúc lợi của người dân Việt Nam trong những năm tới”.
Đỗ Thái Vương. Đ
T: 08 3825 6551
Email: Thaivuong.do@abbott.com
Liên kết chuyển hướng bạn rời khỏi các trang web toàn cầu của Abbott không thuộc quyền kiểm soát của Abbott, và Abbott không chịu trách nhiệm về nội dung của bất kỳ trang web nào trong đó hoặc bất kỳ liên kết nào khác nữa xuất phát từ trang web đó. Abbott cung cấp những liên kết này cho bạn chỉ nhằm mục đích tạo thuận tiện cho bạn, và việc bao gồm bất cứ liên kết nào không hàm chứa chứng thực cho các trang web liên kết bởi Abbott.
Trang web bạn yêu cầu cũng có thể không được tối ưu hóa cho kích thước màn hình của bạn.